top of page
  • Writer's pictureHappy

Kiểm Tra Không Phá Hủy NDT/NDE – Phần 1

Updated: Mar 31, 2021

Xin chào các bạn, thời điểm mình soạn bài blog này cũng chính là thời điểm mà dân tình đang bước vào tuần lễ Black Friday năm 2020. Nhà nhà, người người đang đua nhau hốt sale, rước về nhà đầy các món đồ “ngon, bổ, rẻ”. Lúc đó trong đầu mình mới nảy ra câu hỏi, liệu khi mua nhiều đồ như vậy, có cách nào để chúng ta có thể kiểm tra chất lượng của chúng hay không, vì cho dù là sản phẩm của các công ty có danh tiếng vẫn luôn luôn có % nhỏ các sản phẩm bị lỗi? Và, đối với các đối tượng trong 1 dự án EPCIC (thanh beam dầm, đoạn spool, mối hàn …) chúng ta sẽ kiểm tra chất lượng các sản phẩm như thế nào nhỉ?

Các bạn đọc có kinh nghiệm về kiểm tra chất lượng hàng sale thì comment cho mọi người cùng biết để có thể săn được hàng tốt nhé. Còn đối với Kỹ sư đường ống nói riêng và các Kỹ sư làm việc trong một dự án EPCIC nói chung, chúng ta sẽ dùng NDT/NDE để kiểm tra chất lượng sản phẩm. Vậy NDT/NDE là gì? Chúng ta cùng bắt đầu tìm hiểu về chúng nhé.



1. Định nghĩa NDT/NDE:

Hình 1: Ví dụ về NDE được yêu cầu trong mối hàn piping

NDT là từ viết tắt của Non-Destructive Testing, NDE là từ viết tắt của Non-Destructive Examination/Evaluation. Cả 2 từ này đều có thể hiểu nghĩa là kiểm tra không phá hủy. Kiểm tra không phá hủy là việc sử dụng các phương pháp vật lý để kiểm tra và phát hiện các khuyết tật bên trong hoặc trên bề mặt vật liệu mà không làm tổn hại đến khả năng sử dụng trong tương lai của đối tượng được kiểm tra.

NDE thường được xem như là từ được sử dụng thay thế cho NDT. Tuy nhiên, NDE được sử dụng để mô tả các phép đo có tính định lượng nhiều hơn. Ví dụ, NDE không chỉ chỉ ra các khuyết tật mà còn chỉ ra kích thước, hình dạng và hướng của các khuyết tật đó.

Kiểm tra không phá hủy dùng để phát hiện các khuyết tật như vết nứt, rỗ khí, tách lớp, không ngấu, không thấu trong các mối hàn, kiểm tra sự ăn mòn kim loại, đo độ cứng của vật liệu, xác định bề dày vật liệu,… Ngoài ra, việ sử dụng các loại kiểm tra không phá hủy nhằm mục đích đánh giá tính chất vật liệu trước khi chúng bị hư hỏng, đảm bảo chất lượng sản phẩm và tính năng của công trình, thiết bị và nhằm khai thác hết các khả năng của kết cấu kỹ thuật, tăng tính toàn vẹn và an toàn trong xây lắp.

Bởi vì cho phép kiểm tra mà không làm ảnh hưởng đến khả năng sử dụng của sản phẩm, NDT/NDE cung cấp sự cân bằng giữa việc kiểm soát chất lượng và hiệu quả chi phí.

2. Phân loại NDT/NDE

Có nhiều phương pháp kiểm tra không phá hủy. Dựa vào đặc tính, khả năng phát hiện các khuyết tật, chúng được chia thành 2 nhóm cơ bản

a. Nhóm phương pháp có khả năng phát hiện khuyết tật nằm sâu bên trong đối tượng

  • Phương pháp RT (Radiographic Testing – Phương pháp chụp ảnh phóng xạ dùng film)

  • Phương pháp UT (Ultrasonic Testing – Phương pháp kiểm tra sóng siêu âm)

b. Nhóm phương pháp có khả năng phát hiện khuyết tật bề mặt (và gần bề mặt)

  • Phương pháp PT (Liquid Penetrant Testing – Phương pháp kiểm tra thẩm thấu chất lỏng)

  • Phương pháp MT (Magnetic Particle Testing – Phương pháp kiểm tra bột từ)

  • Phương pháp ET (Eddy Current Testing – Phương pháp kiểm tra dòng điện xoáy)

  • Phương pháp VT (Visual and Optical Testing – Phương pháp kiểm tra trực quan)

3. Một số công nghệ NDT/NDE

Có lẽ nhiều bạn đã quen thuộc với một số công nghệ NDT/NDE được áp dụng trong ngành y rồi. Phần lớn mọi người đều đã được chụp X quang hay các bà mẹ đang mang thai đều được bác sỹ khám siêu âm. Số lượng các phương pháp NDT/NDE không ngừng tăng lên theo thời gian, do đó mình chỉ giới thiệu tới một số phương pháp chính hay được sử dụng thôi nhé.

a. Visual and Optical Testing (VT)

Đây là phương pháp NDT cơ bản nhất. Người kỹ sư sẽ kiểm tra bằng mắt tuân theo quy trình. Quy trình đó có thể từ đơn giản là nhìn vào một bộ phận để xem liệu có phát hiện các khuyết tật trên bề mặt hay không, tới việc sử dụng hệ thống camera do máy tính điều khiển để tự động nhận ra và đo lường các đặc tính của đối tượng

Hình 2: Visual Testing bằng hệ thống camera

b. Radiography Testing (RT)

Phương pháp RT sử dụng ống phóng tia X hoặc nguồn phóng xạ phát ra chum tia Gamma chiếu qua vật cần kiểm tra để tìm kiếm các khuyế tật hoặc kiểm tra các đặc tính bị ẩn. Khi đi qua đối tượng, chùm tia phóng xạ bị suy yếu đi, mức độ suy yêu phụ thuộc vào chiều dày, đặc tính vật liệu. Khi đi qua các vùng có khuyết tật, ví dụ như rỗ khí hoặc vùng vật liệu không đồng nhất, cường độ chùm tia bị suy giảm khác đi. Trên tấm film (được đặt sau vật kiểm tra) sẽ thấy tấm ảnh có các vùng sẫm màu khác nhau. Đó chính là

Hình 3: Radiographic Testing

khu vực khuyết tật của đối tượng. Ưu điểm của RT là cho kết quả tin cậy, số liệu có thể kiểm tra được. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là không cho ta biết về chiều sâu khuyết tật và nó cũng có nguy cơ gây ra độc hại phóng xạ và làm gián đoạn các công việc khác trên công trường.

c. Magnetic Particle Testing (MT)

Phương pháp NDT này được thực hiện bằng cách tạo ra một từ trường trong vật liệu sắt từ và sau đó phủ hạt bụi sắt lên bề mặt đối tượng (khô hoặc lơ lửng trong dung dịch). Các khuyết tật bề mặt hoặc cận bề mặt làm gián đoạn từ trường bên trong và buộc một số trường rò rỉ ra bên ngoài bề mặt. Lúc đó các hạt sắt bị hút và tập trung tại các vị trí rò rỉ từ thông này. Điều này tạo ra một dấu hiệu rõ ràng về khuyết tật trên bề mặt vật liệu.

Hình 4: Phương pháp MT

Bài viết tới đây đã khá dài, xin hẹn các bạn vào thứ bảy tuần sau với phần 2 của bài viết về NDT này nhé! Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ!

bottom of page