top of page

Mã Vật Tư (ItemCode) Trong Quản Lý Dự Án EPC/EPCI

Updated: Jan 25, 2021

Hi các bạn, có bạn nào đã từng có câu hỏi, vòng đời của một vật tư piping (flange / elbow / valve, v.v…) trong một dự án EPC / EPCI sẽ diễn ra như nào? Nó được nhận dạng và “trung chuyển” qua các “trạm dừng” từ thiết kế tới thi công như thế nào không?

Chắc chắn trong số chúng ta, đã từng có bạn mua một sản phẩm nào đó phải không nào? Các vật dụng thiết yếu hằng ngày thường mua ở tạp hóa / siêu thị, các thiết bị điện tử thì mua ở điện máy / trang thương mại điện tử. Nếu các bạn quan sát kỹ, các vật dụng / thiết bị này đều được nhận diện / thanh toán dựa trên một mật mã gì đó phải không nào. Ở siêu thị thường là mã vạch (Bar Code), ở các trang thương mại điện từ là mã sản phẩm (production ID / identification number).

Tương tự như siêu thị / trang thương mại điện tử, trong các dự án ECP/EPCI có giá trị hàng trăm triệu đô, với khối lượng vật tư khổng lồ, việc quản lý vật tư dựa vào mã vật tư (ItemCode) cũng được áp dụng. Điều này giúp việc quản lý thiết kế / mua sắm / thi công diễn ra thuận lợi, có tính hệ thống và nhất quán trong suốt vòng đời của một dự án. Hôm nay, hãy cùng PipingDesigner tìm hiểu về ItemCode nhé, đối tượng khá thú vị, đặc biệt trong hệ thống đường ống piping với nhiều chủng loại (type) / vật liệu (material)/ kích thước (sizing) phức tạp.

Trong các lĩnh vực thiết kế (đường ống, cơ khí, kết cấu, điện, v.v…), công tác quản lý vật tư, đặc biệt là vật tư đường ống được xếp vào loại phức tạp nhất. Trong một dự án EPC / EPCI, ba hạng mục công việc (scope of work) vô cùng quan trọng đó là: Thiết kế - Mua sắm - Thi công. Đặc thù công việc của ba hạng mục này cũng hoàn toàn khác nhau, nhưng lại chung một đối lượng làm việc, đó là vật tư. Vật tư được bộ phận thiết kế xác định, là đầu vào của bộ phận mua sắm để phát hành hồ sơ thầu, cũng là đầu vào của bộ phận thi công để tạo ra một công trình dầu khí hoàn chỉnh.

Mối quan hệ chặt chẽ giữa Thiết kế, Mua sắm và Thi công

Tùy vào từng vật tư, mỗi bộ phận có một khái niệm / góc nhìn / định nghĩa khác nhau về chúng. Vậy thì làm cách nào để chuẩn hóa chúng để không chỉ ba bộ phận trên, mà tất cả các bộ phận đều làm việc trên cùng một đối tượng? Đó chính là ItemCode. Vậy ItemCode là gì?

Tổ hợp của một hay nhiều ký tự cấu thành nên ItemCode. Mỗi ký tự đại diện cho một đặc tính của đối tượng. ItemCode đại diện đặc trưng cho một đối tượng duy nhất. Qua đó, người dùng ở các bộ phận khác nhau có thể dễ dàng truy xuất các đặc tính kỹ thuật, xuất xứ, vị trí lưu kho, v.v… chỉ với ItemCode.

Hãy cũng với PipingDesigner tìm hiểu một quy tắc đặt ItemCode đơn giản như hình trên nhé. Nếu quy định ký tự PP đại diện cho ống (Type: pipe), A3 đại diện cho vật liệu ASTM A333 Grade 6, 2 đại diện cho size ống 2”, B3 đại diện cho tiêu chuẩn B36.10, ta sẽ có ItemCode PP-A3-2-B3 cho ống 2” Pipe ASTM A333 Grade 6 ASME B36.10.

Thông thường trong mỗi dự án, bộ phận thiết kế sẽ chịu trách nhiệm tạo mã ItemCode này. Các bộ phận khác sử dụng để dễ dàng truy xuất thông tin dễ dàng chỉ với 1 mã ItemCode thay vì cần đến ít nhất mô tả chính xác, vật liệu và sizing của vật tư mới truy xuất được theo cách truyền thống.

Mỗi dự án / công trình dầu khí dù trong hay ngoài nước đều có những đặc thù, tiêu chuẩn khác nhau, chính vì thế, cơ sở dữ liệu (database) của mỗi khách hàng sẽ khác nhau. Việc xây dựng một cơ sở dữ liệu riêng của nhà thầu để chuẩn hóa ItemCode sẽ phát huy tối đa ưu điểm trong công tác quản lý thiết kế / mua sắm / thi công. Cùng PipingDesigner xem một ví dụ dưới đây để hiểu rõ hơn nhé.

Công ty A chuyên thiết kế / mua sắm / thi công công trình dầu khí.

Năm 2018, công ty A trúng thầu và là tổng thầu cho khách hàng B. Dữ liệu thiết kế do khách hàng B cung cấp ghi trong Piping Material Specification (PMS) có loại ống với mô tả đầy đủ: PIPE, SMLS, BE, SCH STD, ASME B36.10 ASTM A333 GRADE 6, NACE MR0175/ISO 15156 PART2.

Năm 2019, công ty A tiếp tục trúng thầu và là tổng thầu cho khách hàng C, với mô tả một vậy tư trong PMS là: PIPE, SCH-STD, BEVEL END, A333 GR. 6, NACE MR0175 ASME B36.10.

Rõ ràng, chúng ta có thể thấy hai vật tư ở hai dự án khác nhau, có cách viết mô tả khác nhau, nhưng đều là ống vật liệu ASTM A333 Grade 6, chiều dày theo SCH-STD, bevel hai đầu, hay nói cách khác, về bản chất chúng là một. Nếu như chúng ta quy định BE và BEVEL END là một mã code, GRADE 6 và GR. 6 là một mã code thì kết quả sẽ cho ra một mã ItemCode cho vật tư này. So với cách truyền thống, việc lấy mô tả dầy đủ kết hợp size vật tư sẽ khó khan trong việc truy xuất thông tin trong trường hợp này.

Nếu công ty A có một cơ sở dữ liệu chuẩn, nhanh chóng tạo code cho 2 vật tư kia là một ItemCode, điều đó sẽ cung cấp thông tin vô cùng quý giá cho các bộ phận liên đới.

Bộ phận mua sắm sẽ có ngay lập tức đơn giá của vật tư đó ở dự án năm 2018 để làm cơ sở so sánh với dự án năm 2019, xây dựng kế hoạch mua sắm tối ưu.

Bộ phận thi công sẽ lên phương án thi công cho vật tư này năm 2019 trên cơ sở năm 2018, giảm thiểu rủi ro thi công, tiết kiệm, đáp ứng tiến độ dự án.

Bộ phận kế hoạch thay vì lập những bảng biểu phức tạp, với mô tả đầy đủ từ nhiều hạng muc vật tư để cho ra bức tranh tổng thể dự án, giờ đây họ chỉ kết hợp đầu vào với ItemCode đơn giản và số lượng đã mua sắm so sánh với số lượng thực tế cần dùng để báo cáo tình hình dự án một cách ngắn gọn, nhanh chóng, hiệu quả.

Điều này đỏi hỏi công ty A phải có dữ liệu đủ lớn để có thể xây dựng một thư viện ItemCode chuẩn, có thể sử dụng cho bất kỳ dự án nào.

Như vậy, PipingDesigner đã giới thiệu cho các bạn về ItemCode trong dự án. Có bạn nào thắc mắc, thế ngoài ví dụ của PipingDesigner đưa ra thì các vật tư khác như elbow, tee, flange, valve, v.v… cách đặt code có gì khác? Các đặc tính kỹ thuật tối thiểu của một vật tư piping là những gì? Hãy mạnh dạn trao đổi với PipingDesigner nếu các bạn cảm thấy hứng thú nhé!

Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ và hẹn gặp lại mọi người vào thứ bảy tuần sau!

bottom of page