Trẻ em ngày nay đứa nào cũng biết chơi trò lắp ghép Lego cả. Happy cũng tự hào là mình cũng biết chơi Lego đó. Thật kiêu hãnh.
Happy biết đến trò Lego lúc công chúa đầu lòng của mình ra đời. Thời “tuổi thơ dữ dội” của Happy không có trò này. Thời ấy chỉ có trò chơi Ô ăn quan, mua bán đồ hàng bằng lá mít, đào lỗ đúc bánh bằng đất hay chạy long nhong ngoài đồng bắt dế, bắt chuột là giỏi. Ngày hè thích nhất là đi thả diều, rồi chiều đá banh trên những đám ruộng vừa mới cắt. Rạ cao tới đầu gối, sắt nhọn. Quần đùi, áo số chạy mãi rồi đám ruộng cũng thành sân banh. Đổi lại thì cẳng chân đứa nào đứa nấy nổi ghẻ không. Vì thân rạ đâm vào chân, mưng mủ, thành ghẻ, rồi nở “bông hoa nhỏ”. May mà lớn lên những chiến tích này cũng phai mờ theo năm tháng. Nhắc đến thời “sửu nhi” thì có mà ngồi tám cả buổi. Thôi, quay lại vấn đề chính là “Làm thế nào để Dựng mô hình 3D cho Thiết bị như chơi ghép hình Lego” đây.
Thực ra khi bước vào nghề PipingDesigners, anh em đều được training on jobs, chứ có ai được đào tạo bài bản cho nghề Thiết kế đường ống đâu. Ở trường Đại Học, đứa nào cũng tranh nhau đến các trung tâm tin học để tậu cho mình những cái bằng thật oách là lách. Nào là Chứng chỉ tin học văn phòng loại Giỏi, Chứng chỉ AutoCad cơ bản, nâng cao, Chứng chỉ ProEngineer, Cimatron rồi mới nhất là Catia…Thấy tự tin lên tới đỉnh Everest. Đùng cái bỏ hết. Vào làm PipingDesigner thì dùng PDMS- một phần mềm chuyên thiết kế cho lĩnh vực Offshore lẫn Onshore. Vào đây, cái bằng Đại Học loại giỏi của bạn chỉ có giá trị như chiếc vé vào cổng thôi. Qua cổng rồi thì người ta xé cái rẹt.
Với phần mềm PDMS (E3D), bạn phải học lại từ đầu. Quả là phần mềm đồ họa khó nhất từ trước tới giờ Happy tiếp xúc. Vì nó nhiều Module. Thêm nữa, các phần mềm bạn học lúc còn ở giảng đường thì chỉ là cái công cụ thôi. Giờ vừa học PDMS, vừa học kiến thức Piping. Mà cái nào cũng “bên em là biển rộng”. Nhưng cái khó ló cái ngu, mà ngu nhiều thì phải cày bừa, rồi bạn cũng vượt qua à.
Giờ xem như bạn đã học xong PDMS (E3D) rồi nha. Trong quy trình thiết kế piping mà Happy đã chia sẽ trong bài trước, thì việc dựng model 3D của Thiết bị là việc làm đầu tiên.
Khi bạn nhận Model từ Thiết kế cơ sở FEED thì mới chỉ có những khối cơ bản đại diện cho những thiết bị chính. Bạn được cung cấp bản Equipment Layout, P&ID, Equipment Datasheet, Equipment List, Equipment Vendor Data…Là một Designer, bạn còn phải nghiên cứu Basic of Design, Code and Standard, các bản vẽ liên quan…như là bạn đọc hướng dẫn lắp ghép mô hình Lego trước khi chơi vậy.
Các Thiết bị trong ngành dầu khí vẽ đơn giản lắm. Cái quan trọng nhất là vị trí của các Nozzles để đường ống kết nối vào đúng vị trí. Tiếp theo là kích thước bao của thiết bị để những bộ phận khác không lấn chiếm vào không gian này. Thế nên, bạn hãy tưởng tượng thiết bị của mình thành những khối chính, vẽ nó vào rồi gắn các nozzles vào đúng vị trí trên bản vẽ thôi. Ví dụ: bạn muốn vẽ một cái bồn chứa, nó gồm một khối trụ, 2 cái hình bán cầu ở 2 đầu, 2 cái hình hộp là 2 cái chân, rồi gắn nozzles vào. Thế thôi.
Sau khi thiết kế xong, bạn cần kiểm tra clashing, phát hành bản vẽ Equipment Layout, gửi Nozzles orientation cho nhà cung cấp để cập nhật và hoàn thiện model.
Đến đây, bạn đã hoàn thành xong phần thiết kế các thiết bị cho một dự án Dầu khí rồi đó. Chúc bạn thiết kế như thể bạn đang chơi Lego với con bạn vậy. Ah, nhân tiện hỏi luôn. Bạn có biết Lego có nghĩa gì không?
Lego là cách ghép 2 chữ cái đầu tiên của tiếng Đan Mạch “Leg” và “Godt”, có nghĩa là “Chơi giỏi”
Chúc bạn chơi giỏi, vui vẻ thành công và đừng quên chia sẽ bài viết của mình nhé!
cảm ơn về bài viết