top of page
Writer's pictureHappy

Kiểm Tra Không Phá Hủy NDT/NDE – Phần 2

Updated: Mar 31, 2021

Sau khi bài Kiểm tra không phá hủy NDT/NDE – Phần 1 ra mắt, không biết các bạn có áp dụng phương pháp NDT/NDE nào vào việc kiểm tra chất lượng sản phẩm mà chúng ta mua được trong Black Friday không nhỉ? Nếu có, các bạn hãy cho mình biết dưới phần comment nhé.

Còn tuần này mình xin giới thiệu tới các bạn phần 2 của bài Kiểm tra không phá hủy NDT/NDE nhé. Let’s start.



Một số công nghệ NDT/NDE (tiếp theo)

a. Ultrasonic Testing (UT)

Phương pháp UT sử dụng sóng âm có tần số trên ngưỡng con người nghe được (siêu âm) truyền vào vật liệu để phát hiện các điểm không hoàn hảo hoặc để xác định các thay đổi trong đặc tính của vật liệu. Nếu không có khuyết tật, chùm sóng siêu âm sẽ đi thẳng, còn nếu gặp khuyết tật, chùm sóng siêu âm sẽ phản xạ trở lại máy thu. Thiết bị siêu âm có thể giúp ta thấy được sóng âm phản xạ và từ đó biết được khuyết tật nằm ở đâu trong đối tượng. Dựa vào mức độ mạnh yếu của chùm sóng phản xạ, chúng ta cũng có thể đánh giá được kích thước của khuyết tật.

Hình 1: Phương pháp UT

b. Penetrant Testing (PT)

Với phương pháp này, đối tượng thử nghiệm được được làm sạch bề mặt để các chất bẩn được loại bỏ và không che lấp các khuyết tật hở bề mặt. Sau đó đối tượng được phủ một dung dịch thẩm thấu có chứa chất nhuộm màu hoặc có chứa chất huỳnh quang. Dung dịch thẩm thấu này sẽ đi vào và nằm trong các khuyết tật hở bề mặt. Sau đó làm sạch dung dịch thẩm thấu dư còn sót lại trên bề mặt đối tượng. Tiếp theo, chất hiện (gọi là developer) được sử dụng để hút các chất thẩm thấu đọng lại trong khuyết tật lên bề mặt đối tượng nhờ hiện tượng mao dẫn. Khi đó, nếu chất thẩm thấu là thuốc nhuộm màu thì có thể thấy rõ sự tương phản màu sắc, giúp chúng ta phát hiện ra vị trí của khuyết tật. Đối với chất thẩm thấu có chứa chất huỳnh quang, chúng ta sử dụng tia cực tím để làm chất huỳnh quang phát sáng tốt hơn và thấy được vị trí khuyết tật hở.

PT chỉ có thể áp dụng để kiểm tra các khuyết tật thông tra bề mặt. Đây là một trong những phương pháp NDT/NDE đơn giản, rẻ tiền và hiệu quả.

Hình 2: Phương pháp PT

c. Eddy Current Testing (ET)

Phương pháp kiểm tra dòng điện xoáy được dựa trên hiệu ứng cảm ứng điện từ. Nếu một vật dẫn điện được đưa gần đến một cuộn dây có dòng điện xoay chiều thì bên trong vật đó sẽ xuất hiện một dòng điện khép kín, biến thiên (dòng điện xoáy). Trong phương pháp ET, các dòng điện xoáy được tạo ra trong vật liệu bởi một từ trường biến thiên. Cường độ của các dòng điện xoáy này được đo lại bởi thiết bị đo. Các khuyết tật vật liệu gây ra sự gián đoạn trong dòng chảy của dòng điện xoáy, cảnh báo cho người kỹ sư về sự hiện diện của khuyết tật hoặc các thay đổi về tính chất vật liệu. Dòng điện xoáy cũng bị ảnh hưởng bởi tính dẫn điện và độ từ thẩm của vật liệu do đó phương pháp này cũng có thể phân loại một số vật liệu dựa trên đặc tính này. Phương pháp này rất nhạy để phát hiện các vết nứt bề mặt và gần bề mặt trong các đối tượng làm bằng chất dẫn điện. Ngoài ra, phương pháp này còn đánh giá được chiều dày lớp phủ và đánh giá ăn mòn trên vật liệu.

Hình 3: Phương pháp ET

d. Leak Testing (LT)

Một số phương pháp được sử dụng để người kỹ sư có thể phát hiện và định vị được vị trí rò rỉ trong các đối tượng chịu áp suất, các thiết bị chịu áp lực (pressure vessel) và các đối tượng kết cấu. Leak có thể được phát hiện bằng cách sử dụng các thiết bị nghe điện tử, đo áp suất, phương pháp thẩm thấu chất lỏng và khí hoặc các thử nghiệm xà phòng đơn giản.

Hình 4: Bong bóng xà phòng chỉ ra vị trí bị leak khí

Trong các phương pháp NDT/NDE mà mình đã nêu, mỗi phương pháp đều có những ưu điểm riêng và không phương pháp nào có thể thay thế được phương pháp khác. Tùy vào tình hình thực tế và chúng ta lựa chọn phương pháp test phù hợp.

So với các phương pháp phá hủy (DT) thì NDT/NDE không làm ảnh hưởng đến khả năng sử dụng trong tương lai của đối tượng và có thể đảm bảo kiểm tra 100% số lượng các đối tượng. NDT/NDE còn là công cụ quan trọng trong nghiên cứu chế tạo vật liệu mới, tối ưu hóa các quy trình sản xuất.

Trong khi đó phương pháp phá hủy có ưu điểm là cho kết quả trực tiếp, trực quan trong khi NDT chỉ cho kết quả gián tiếp.

Như vậy mình đã giới thiệu tới các bạn phần 2 và cũng là phần cuối của loạt bài về Kiểm tra không phá hủy. Chúc các bạn một cuối tuần vui vẻ, bổ ích. Hẹn gặp lại các bạn vào tuần sau.

Kommentare


bottom of page