top of page
  • Writer's pictureHappy

Xử Lý Vấn Đề Hội Tụ Trong Tính Toán CAESAR II

Updated: Dec 30, 2020

Chào các bạn,

Khi tính toán với phần mềm CAESAR II, chúng ta thường gặp tình huống chương trình giải rất lâu nhưng vẫn không ra kết quả. Khi đó, ta nói rằng lời giải của bài toán không hội tụ. Và dù bạn có để cho máy chạy đến ngày hôm sau thì chương trình vẫn cứ tiếp tục chạy và không cho ra kết quả.

Bạn để ý trong hình trên, bạn nhận được các thông tin như:

- Equations, Bandwidth, No. Nonlinear Restraints: Thể hiện độ lớn, độ phức tạp của bài toán.

- Current Case: Load case đang tính toán.

- Total Cases: Tổng số Basic Load Case được khai báo trong Load Case Editor

- Iteration: Số vòng lặp đã và đang thực hiện

- Elapsed Time: Thời gian đã tính toán

Thông thường khi chương trình chạy hơn 100 vòng lặp mà vẫn chưa hội tụ thì khả năng chạy tiếp cũng không hội tụ. Nên bạn phải dừng chương trình, kiểm tra và hiệu chỉnh lại mô hình, rồi sau đó chạy lại.

Bạn cần kiểm tra lại mô hình, xem có chỗ nào sai không. Sai điều kiện biên, điều kiện biên không thực tế, điều kiện biên không đủ để ràng buộc ổn định mô hình. Kiểm tra lại các khai báo Restraint, Displacement, đặc biệt là C-node rất thường sai.

Sau khi kiểm tra mô hình input chắc ăn đúng hết rồi, các bạn bắt đầu áp dụng các biện pháp sau đây:

1. Bấm phím F2 để tạm dừng, quan sát xem có bao nhiêu node không hội tụ

2. Bấm nút Continue để tiếp tục 1 vòng lặp, tiếp tục quan sát

3. Sau vài lần bấm Continue, bạn sẽ tìm được một danh sách ít nhất các node làm cho lời giải không hội tụ. Hãy ghi lại các node này. Bấm nút Cancel để thoát ra và trở lại màn hình Input của CAESAR II.

4. Thông thường, vấn đề hội tụ xảy ra khi bài toán có ràng buộc phi tuyến và ma sát.

a. Bạn có thể thay đổi ràng buộc 1 hướng thành 2 hướng. Ví dụ: +Y thành Y (*). Bạn không nên khai báo vừa ràng buộc +Y và –Y tại cùng 1 node vì điều này sẽ làm cho bài toán khó hội tụ.

b. Bạn có thể thay đổi Gap về 0 để tuyến tính hóa ràng buộc. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn duy trì Gap, thì tăng Gap lên cũng có khi bạn gặp may mắn.

c. Bạn có thể thêm Guide và Stopper ở 1 số vị trí phù hợp để giúp cho mô hình ổn định.

d. Bạn hãy thử làm các thay đổi trên cho 1 hoặc tất cả các node gặp vấn đề về hội tụ. Nếu vẫn không được, hãy loại bỏ ma sát ở 1 node hoặc tất cả các node có ràng buộc không hội tụ (*).

e. Bạn cũng có thể thử bằng cách tăng hay giảm nhiệt độ 1 degree hoặc dịch chuyển vị trí support 10-20mm (*) cũng có thể giúp bài toán hội tụ.

f. Kinh nghiệm cho thấy, áp dụng các hiệu chỉnh trên có đến 95% cơ hội bạn sẽ thành công, vậy còn 5% nữa, nếu ko thành công thì nghỉ việc luôn hả các bạn!!!

g. Đừng lo lắng, chúng ta vẫn còn tuyệt chiêu cuối cùng!

Bạn hãy thử thay đổi từng bước Friction Stiffness về số nhỏ hơn trong cửa sổ Configuration Editor.

Sau đó lưu lại, rồi nhớ vào cửa sổ CAESAR II input và chạy Error Check. Nhớ phải làm bước này trước khi Run Analysis để các thay đổi được cập nhật.

h. Nếu bạn đã thử với Friction Stiffness nhỏ nhất (*) rồi mà vẫn không hội tụ thì kinh nghiệm cho thấy, bài tính của bạn cũng phải đủ gọi là lớn rồi ấy. Ý mình là nhiều node, nhiều phần tử lắm. Mỗi lần chạy thử đi thử lại bạn có cảm giác chờ đợi máy chạy ra kết quả khá lâu và rất nóng ruột. Nếu có thể bạn hãy nghĩ đến việc ngắt mô hình của bạn thành 2 bài tính riêng biệt nhé!

i. Đôi khi bạn cần có kết quả sơ bộ để đánh giá, bạn có thể bỏ hết ma sát trong mô hình bằng cách vào Load Case Editor và sửa lại Friction Multiplier bằng 0 cho những Load case nào bị không hội tụ. Nói chung cách này không khuyến khích các bạn làm, cách này chỉ để giải được và đánh giá kết quả sơ bộ. Sau đó, làm cơ sở để suy luận và áp dụng các cách ở trên.

j. Điều quan trọng khi xử lý vấn đề hội tụ nằm ở phương pháp xử lý và kiên nhẫn thử từng bước. Dĩ nhiên là cần thời gian và không bị sếp đứng sau lưng dí. Các bạn có thể kết hợp tất cả những kỹ thuật mình đã hướng dẫn với nhau và khi bạn thành thạo nó sẽ trở thành kỹ năng của riêng bạn. Nói cho hay, nó là một nghệ thuật! Hihi!!!

k. Các điểm lưu ý note (*): áp dụng nhưng cần kiểm soát và đánh giá kết quả trong sai số chấp nhận được.

Chúc các bạn thành công nhé! Hẹn gặp lại các bạn vào thứ bảy tuần sau!

Comments


bottom of page